31/8/11

Hồi ký Trần Quang Cơ - 6

6. MỘT BƯỚC TỰ CỞI TRÓI: ĐA DẠNG HOÁ ĐA PHƯƠNG HOÁ QUAN HỆ

Trong khi họp CP 87 sáng 14.5.87, chúng tôi thảo luận sôi nổi làm sao giành lại thế chủ động trong việc giải quyết vấn đề Campuchia. Anh Thạch có ý kiến: “Không nhất thiết ta chỉ làm với Trung Quốc. Phải thấy là ba nước lớn Mỹ-Xô-Trung đang chụm lại với nhau trao đổi về cái khung giải pháp. Cần nhớ kinh nghiệm những năm 1954, 1973, Trung Quốc vẫn phải tiếp tục lợi dụng mâu thuẫn Mỹ-Xô, Trung-Xô không thể giải quyết với nhau qua đầu Mỹ, phải thoả thuận cả với Mỹ. Cho nên ta chỉ húc đầu vào một con đường nói chuyện với Trung Quốc là không đúng”. Bản thân tôi rất tâm đắc suy nghĩ đó. Lâu nay tôi thường cảm thấy ta chịu lệ thuộc hơi nhiều vào anh cả Liên Xô, anh hai Trung Quốc trong tư duy và hành động nên đã tự hạn chế mình trong hoạt động đối ngoại trên thế giới và ở khu vực Đông Nam Á. Muốn Trung Quốc mềm đi, phải cho thấy ta ngày càng nhiều bạn. Ngược lại, nếu ta chỉ thấy có Trung Quốc thôi và nếu Trung Quốc thấy ta yếu và đơn độc thì họ sẽ rất cứng rắn với ta. Chính vì vậy mà Trung Quốc đã buộc ta phải có hết nhượng bộ nọ đến nhượng bộ kia. Mặt khác, Gorbachov vì lợi ích nước lớn, không rõ vô tình hay hữu ý, đã làm Việt Nam vào cái khung “phải giải quyết vấn đề Campuchia với Trung Quốc”.

Phải nói rằng với nếp suy nghĩ quá thiên lệch, quá cứng nhắc về “hai phe” lúc đó, chỉ riêng nghĩ đến chuyện quan hệ với các nước phương Tây đã gần như một điều huý kỵ, nên việc Ngoại giao đề cập đến mở rộng tiếp xúc hợp tác ra ngoài thế giới XHCN gần như là chuyện động trời. Người ta chấp nhận nó không phải dễ dàng. Tư tưởng đa phương hoá, đa dạng hoá trong quan hệ đối ngoại đã đến với ta hơi chậm nhưng chưa muộn.

Theo hướng đó, ta đã nghiên cứu và mở đợt tấn công ngoại giao tháng 6-8.87 với đặc điểm:

- Không tấn công về nội dung giải pháp như mọi khi, mà tấn công về cơ chế giải quyết vấn đề;

- Thăm dò tất cả các diễn đàn có thể đưa đến giải pháp, tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp tất cả các đối phương (Trung Quốc, ASEAN, Mỹ);

- Phối hợp tốt với việc Campuchia ra “tuyên bố về chính sách hoà hợp dân tộc”.

Đợt tấn công đã đem lại những kết quả mong muốn, làm bộc lộ hai xu hướng đi ngược chiều nhau trong hàng ngũ đối phương, những mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương đã nổ ra một cách công khai gay gắt (giữa Trung Quốc với ASEAN, Mỹ, Sihanouk; trong nội bộ ASEAN, trong nội bộ 3 phái “Campuchia Dân chủ”).

Trong xu thế đối thoại đang được đẩy mạnh giữa Xô - Mỹ, thông cáo 29.7.87 của cuộc gặp giữa Việt Nam (Nguyễn Cơ Thạch) và Inđônêxia (Mochtar), đại diện cho hai nhóm nước Đông Dương và ASEAN, thoả thuận dùng hình thức tổ chức “cocktail party” để họp với các bên Campuchia bàn vấn đề Campuchia gắn với vấn đề Đông Nam Á, việc Việt Nam công bố đợt rút quân 1987 có mời quan sát viên nước ngoài đã làm chuyển động tình hình. Mỹ cử đặc phái viên của tổng thống đến Việt Nam, Sihanouk tuyên bố tạm thôi chức chủ tịch Campuchia Dân chủ và sẵn sàng gặp Hunxen.

Ngày 20.5.88, BCT ra nghị quyết 13 chủ trương giải quyết vấn đề Campuchia trước năm 1990 và phấn đấu bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. nghị quyết nói rõ: “Phấn đấu bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc là một quá trình gay go, phức tạp, đòi hỏi có thời gian. Sau khi bình thường hoá, quan hệ hai nước khó trở lại ngay như những năm 50, 60. Cuộc đấu tranh tiếp tục dưới nhiều hình thức khác, không như tình trạng đối đầu như hiện nay… chúng ta phải luôn cảnh giác, chuẩn bị tốt về mọi mặt khi bước vào cuộc đấu tranh mới, làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn xấu hòng làm suy yếu ta, “diễn biến hoàn bình”, chia rẽ, phá hoại nội bộ, chia rẽ 3 nước Việt nam, Lào, Campuchia… Cần phòng ngừa, khắc phục những tư tưởng lệch lạc, chỉ thấy giới hạn Trung Quốc là bá quyền, không thấy Trung Quốc là XHCN; hoặc chỉ thấy Trung Quốc là XHCN mà không thấy bá quyền, bành trướng.” Đối với Lào và Campuchia, nghị quyết nêu rõ: “Việc Lào và Campuchia sẽ đi lên XHCN hay phát triển theo con đường dân tộc, dân chủ nhân dân là do Đảng và nhân dân hai nước đó quyết định, phù hợp với điều kiện thực tế và nguyện vọng của nhân dân nước đó”…

Tất cả những động thái đó đã tạo ra khả năng thực tế phá vỡ bế tắc về vấn đề Campuchia đã kéo dài hơn 8 năm qua. Trung Quốc buộc phải tính toán lại, họ không còn khả năng khống chế ASEAN cũng như Sihanouk nữa. Về phía các nước ASEAN, điều khiến họ lo ngại Việt Nam nhất trong vấn đề Campuchia là việc Việt Nam đưa quân sang Campuchia nay đang được dỡ bỏ với việc Việt Nam tuyên bố rút quân khỏi Campuchia. Các diễn đàn mới về vấn đề Campuchia được mở ra khiến cho sức ép của Trung Quốc đối với v bị hạn chế lại.

Trong hoà hoãn giữa ba nước lớn, vai trò Trung Quốc lúc này vẫn lép nhất, hoà hoãn Xô - Mỹ phát triển mạnh nhất. Xô - Mỹ đã thoả thuận giải quyết vấn đề Afghanistan là một vấn đề châu Á mà không có vai trò của Trung Quốc. Trung Quốc lo ngại với cái đà đó, Xô - Mỹ rồi sẽ giải quyết các vấn đề châu Á khác như vấn đề Campuchia mà cũng không có vai trò Trung Quốc. Trung Quốc muốn giữ vai trò một trong ba nước lớn giải quyết vấn đề Campuchia. Như thế sẽ lợi cho Trung Quốc hơn là để vấn đề Campuchia được giải quyết giữa người Campuchia với nhau, giữa ASEAN - Đông Dương, hay giữa Trung Quốc - Việt Nam. Vì vậy Trung Quốc chống lại thoả thuận Việt Nam – Inđônêxia 29.7.87 ở thành phố Hồ Chí Minh, ra sức phá diễn đàn Hunxen – Sihanouk, đòi Việt Nam đàm phán với Sihanouk, hỗ trợ Thái Lan gây xung đột biên giới Thái – Lào, gây ra xung đột với hải quân ta ở Trường Sa (3-4.88). Trong tình hình đó, Việt Nam và CHND Campuchia đã công bố đợt rút quân tình nguyện Việt Nam lần thứ 7 khỏi Campuchia trong năm 1988. Đây là đợt rút quân lớn nhất từ khi ta bắt đầu rút quân năm 1982. Việc này đã làm tăng thêm khó khăn lúng túng cho Trung Quốc vì dư luận quốc tế lại bắt đầu tập trung hướng về vấn đề xử lý bọn diệt chủng Polpot, đồng thời làm tăng sự thúc bách sớm có một giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia trước khi Việt Nam rút hết quân vào năm 1990 như đã tuyên bố.


Hồi ký Trần Quang Cơ - Phần mở đầu
Hồi ký Trần Quang Cơ - 1
Hồi ký Trần Quang Cơ - 2
Hồi ký Trần Quang Cơ - 3
Hồi ký Trần Quang Cơ - 4
Hồi ký Trần Quang Cơ - 5
Hồi ký Trần Quang Cơ - 6
Hồi ký Trần Quang Cơ - 7
Hồi ký Trần Quang Cơ - 8
Hồi ký Trần Quang Cơ - 9
Hồi ký Trần Quang Cơ - 10
Hồi ký Trần Quang Cơ - 11
Hồi ký Trần Quang Cơ - 12
Hồi ký Trần Quang Cơ - 13
Hồi ký Trần Quang Cơ - 14
Hồi ký Trần Quang Cơ - 15
Hồi ký Trần Quang Cơ - 16
Hồi ký Trần Quang Cơ - 17
Hồi ký Trần Quang Cơ - 18
Hồi ký Trần Quang Cơ - 19
Hồi ký Trần Quang Cơ - 20
Hồi ký Trần Quang Cơ - phụ lục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét