20. KẾT THÚC MỘT CHẶNG ĐƯỜNG NHƯNG LỊCH SỬ CHƯA SANG TRANG
Sau 12 năm ròng rã, đối với chúng ta, vấn đề Campuchia coi như đã kết thúc và đã trở thành một hồ sơ của bộ phận lưu trữ trong Bộ Ngoại giao Việt Nam. Nhưng những bài học của 12 năm ấy vẫn còn có nhiều tính chất thời sự, nhất là bài học về chính sách và thái độ cư xử với các nước lớn.
Tiếp sau việc vấn đề Campuchia được giải quyết là việc thực hiện bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Theo thoả thuận giữa hai bên, ngày 5.11.91, TBT Đỗ Mười và thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có cuộc đi thăm chính thức nước CHND Trung Hoa, đánh dấu sự bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. “Quan hệ Việt – Trung tuân thủ các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau... Quan hệ Việt – Trung không phải là quan hệ đồng minh, không trở lại quan hệ như những năm 50-60...”
Tuy nhiên sau khi bình thường hoá quan hệ, lại dồn dập diễn ra những sự kiện xấu trên nhiều mặt quan hệ giữa hai nước, tập trung gay gắt nhất là các vấn đề liên quan đến lãnh thổ trên bộ vùng biên giới Hà Giang tháng 2, 3, 4.92; vụ nối lại đường xe lửa Liên vận ở Đồng Đăng, Lạng Sơn tháng 12.91 rồi 4.5.92; Lục Lầm, Quảng Ninh tháng 5.92) và tranh chấp biển đảo mà đỉnh cao là vụ Trung Quốc công khai hoá việc ký kết họp đồng thăm dò khai thác dầu khí với Công ty Năng lượng Mỹ Crestone tại một vùng rộng lớn trên thềm lục địa của Việt Nam (bãi Tư Chính).
Vì sao Trung Quốc tăng cường lấn ép ta vào thời điểm này ? Vì Trung Quốc cho rằng tình hình đó đang thuận lợi cho họ tranh thủ gấp rút thực hiện yêu cầu tăng thế và lực (xây dựng hải quân nhanh, nổ thử bom 1000 kilôton, thi hành chiến lược “biên giới mềm”) nhằm tạo cho mình một vị thế đỡ bất lợi so với Mỹ và các nước lớn khác, trong đó có ý đồ gấp rút biến biển Nam Trung Hoa - mà ta gọi là biển Đông - thành vùng biển độc chiếm của Trung Quốc, từ đó khống chế toàn bộ vùng Đông Nam Á.
1. Trật tự thế giới cũ không còn, trật tự thế giới mới chưa hình thành. Các đối thủ chính của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương đều đang gặp khó khăn, Liên Xô vừa tan rã. Liên bang Nga trước mắt chưa phải là thách thức đáng kể, Mỹ đang giảm bớt sự có mặt về quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương, tránh can thiệp nếu lợi ích của Mỹ và đồng minh không bị đụng đến.
2. Đông Nam Á mới bắt đầu quá trình nối lại các quan hệ giao lưu giữa hai nhóm nước đối đầu cũ. Triển vọng liên kết hay nhất thể hoá Đông Nam Á, bất lợi đối với ý đồ bá quyền của Trung Quốc, đang còn có những trở ngại (nghi ngờ nhau do khác ý thức hệ, va chạm lợi ích, ý đồ của Thái Lan đối với Lào, Campuchia) đòi hỏi thời gian khắc phục Trung Quốc muốn tranh thủ thời gian này để cản phá xu thế hợp tác khu vực giữa Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam và ASEAN tạo ra một tập hợp lực lượng thân Trung Quốc ở Đông Nam Á (quân phiệt Thái, quân phiệt Myanmar, Khmer đỏ ở Campuchia và Lào nếu có thể) để khuất phục Việt Nam.
3. Bản thân Việt Nam còn đang lúng túng về những vấn đề chiến lược (vấn đề đồng minh, vấn đề tập hợp lực lượng, vấn đề bạn thù) trong tình hình mới sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ với Mỹ chưa bình thường hoá, Trung Quốc muốn đi vào bình thường hoá quan hệ với Việt Nam trên thế mạnh.
Vì vậy Trung Quốc nhẩn nha trong các bước bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, vừa tạo bề mặt thân mật gắn bó Trung – Việt, vừa xiết chặt bên trong, giành lợi thế cho mình trên mọi lĩnh vực quan hệ. Cả hai mặt đều nhằm đạt mục tiêu khẳng định Việt Nam - Đông Dương là thuộc khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc, muốn tách Việt Nam khỏi Đông Nam Á và thế giới bên ngoài.
*
* *
Ngày 29.11.93, tại cuộc họp Trung ương thứ 6 khoá VII để nhận định tình hình và bàn về ảnh hưởng tới, với dự tính sẽ xin rút khỏi Trung ương trong kỳ họp Trung ương giữa nhiệm kỳ tới, tôi đã tranh thủ nói rõ quan điểm của tôi trước phiên họp toàn thể Trung ương dưới dạng trình bày những suy nghĩ của mình về “Thời cơ và những thách thức”.
Tôi cho rằng cục diện mới lúc này có mặt thuận lợi là đang nảy sinh những xu thế phù hợp với yêu cầu mở cửa, hoà nhập vào đời sống kinh tế–chính trị quốc tế của ta, đang tạo nên thời cơ thực hiện mục tiêu hoà bình và phát triển của nước ta.
Đó là:
Xu thế độc lập tự chủ, tự lực tự cường của những nước nhỏ và vừa, có ý thức về lợi ích dân tộc của mình, cưỡng lại chính trị cường quyền áp đặt của nước lớn.
Xu thế đa dạng hoá quan hệ đối ngoại, tăng cường ngoại gia đa phương do nhu cầu đẩy mạnh giao lưu kinh tế và an ninh tập thể.
Xu thế giữ hoà bình ổn định thế giới và khu vực nhằm bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi cho tập trung phát triển kinh tế.
Xu thế liên kết khu vực về kinh tế và an ninh khu vực.
Đồng thời, cũng có những thách thức lớn đối với an ninh và phát triển của ta, cả từ bên trong lẫn từ bên ngoài:
Thách thức bên trong là tệ nạn tham ô và nhũng nhiễu đang huỷ hoại sức để kháng vật chất cũng cũng tinh thần của dân tộc ta, làm giảm hẳn khả năng chống đỡ của ta đối với các thách thức bên ngoài.
Diễn biến hoà bình - một dạng biểu hiện của mâu thuẫn Đông - Tây sau chiến tranh lạnh.
Bá quyền bành trướng. Nguy hiểm không kém diễn biến hoà bình, ở sát nách ta, thể hiện lúc mềm, cứng để gây mơ hồ mất cảnh giác (điểm này trong hội nghị hầu như không có ý kiến nào đề cập tới54).
Tình hình Campuchia còn đầy bất chắc với Khơ me đỏ còn đó, cộng với chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người Campuchia.
Trên cơ sở nhận định về thời cơ và nguy cơ như vậy, tôi đã đưa ra kiến nghị:
Cần nhìn tổng thể tình hình khách quan và chủ quan, đối chiếu các thách thức với khả năng các mặt của ta để chọn cách xử lý sát thực tế, vừa sức.
Trước hết xử lý thách thức nào trong tầm tay của ta, tập trung chống tham nhũng để bảo tồn và tăng cường sức đề kháng phòng ngừa thách thức bên ngoài.
Ưu tiên cho liên kết khu vực (Đông Nam Á). Liên kết không phải để đối đầu chống nước nào.
Đối với các nước lớn, quan hệ hữu hảo, không đối đầu nước nào, nhưng đều giữ khoảng cách nhất định.
Song song với việc kết bạn, không lơ là với việc đấu tranh khi cần thiết. Song luôn giữ giới hạn. không gây nguy cơ mất ổn định khu vực.
Tránh không làm gì có thể dồn hai hoặc ba đối thủ câu kết lại vơi nhau chống ta.
Những ý kiến trên đây có thể dùng làm đoạn kết cho phần hồi ức này của tôi, vì phản ảnh khá đầy đủ quan điểm của tôi và cho đến nay (năm 2000)55 xem ra nó chưa phải đã lỗi thời.56
54 bản 01 thêm: ngại đụng TQ, tuy ta nói trong nội bộ
55 bản 01 viết: (1999)
56 bản 01 thêm: Trước đây, ngày 4.6.93 theo yêu cầu của Thường trực BCT, tôi đã viết ngày 20.6.93 đã gửi các đồng chí Thường trực BCT tài liệu “Những thách thức đối với an ninh và sự phát triển của ta. Một số kiến nghị đối sách” (xem phụ lục của Hồi ức) thẳng thắn nêu ý kiến của mình về mấy vấn đề lớn: những thách thức, đe doạ đối với an ninh và phát triển của ta có thể xuất xứ từ đâu, dưới những dạng nào ?
Hồi ký Trần Quang Cơ - Phần mở đầu
Hồi ký Trần Quang Cơ - 1
Hồi ký Trần Quang Cơ - 2
Hồi ký Trần Quang Cơ - 3
Hồi ký Trần Quang Cơ - 4
Hồi ký Trần Quang Cơ - 5
Hồi ký Trần Quang Cơ - 6
Hồi ký Trần Quang Cơ - 7
Hồi ký Trần Quang Cơ - 8
Hồi ký Trần Quang Cơ - 9
Hồi ký Trần Quang Cơ - 10
Hồi ký Trần Quang Cơ - 11
Hồi ký Trần Quang Cơ - 12
Hồi ký Trần Quang Cơ - 13
Hồi ký Trần Quang Cơ - 14
Hồi ký Trần Quang Cơ - 15
Hồi ký Trần Quang Cơ - 16
Hồi ký Trần Quang Cơ - 17
Hồi ký Trần Quang Cơ - 18
Hồi ký Trần Quang Cơ - 19
Hồi ký Trần Quang Cơ - 20
Hồi ký Trần Quang Cơ - phụ lục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét