20/9/11

CÁI NÔI CỦA ĐẠO HỒI: BÁN ĐẢO Ả RẬP TRONG THẾ KỶ 6 VÀ 7

Vị giáo chủ sáng lập đạo Hồi là Muhammad, sinh năm 570 tại thành phố Mecca, thủ đô của xứ Saudi Arabia ngày nay. Sau 23 năm viết sách Thánh Kinh Koran và thuyết giảng về đạo Islam, ông qua đời tại thành phố Medina, cách Mecca khoảng 40 miles về phía Bắc, hưởng thọ 62 tuổi.

Cuộc đời của Muhammad đã bắt đầu từ 30 năm cuối thế kỷ 6 và bắt cầu 32 năm sau qua thế kỷ 7. Tất cả những gì ảnh hưởng đến cuộc đời của Muhammad đều in dấu ấn trong thế giới đạo Hồi ngày nay. Vì vậy chúng ta cần phải tìm hiểu bối cảnh lịch sử của xã hội Ả Rập trong cả hai thế kỷ 6 và 7.

Khác với Kinh Thánh Cựu Ước Do Thái là một tập truyện, Kinh Thánh Koran gần như một cuốn nhật ký. Đọc Kinh Koran, người ta sẽ thấy rất nhiều nét đặc thù của đời sống du mục Ả Rập, các sinh hoạt thương mại của dân Mecca, các phong tục tập quán và tín ngưỡng cổ truyền của người Ả Rập, các cuộc chiến tranh của đế quốc Ki Tô Giáo Byzantine, đế quốc Hỏa Giáo Ba Tư v.v...

Tất cả đều được Muhammad phản ảnh trong kinh Koran. Do đó, khi đọc kinh Koran, chúng ta rất dễ dàng kiểm chứng các sự kiện bằng cách đối chiếu với lịch sử. Ngược lại, sự nghiên cứu lịch sử về bối cảnh bán đảo Ả Rập trong thế kỷ 6 và 7 sẽ giúp chúng ta hiểu biết rõ ràng hơn về Muhammad cũng như về đạo Islam.

1. Về địa dư:

Bán đảo Ả Rập là một hình chữ nhật chiều dài 1200 miles, rộng 900 miles. Diện tích trên một triệu dặm vuông, lớn bằng 1/3 Hoa Kỳ hoặc bằng 8 lần diện tích Việt Nam. Sở dĩ vùng này được gọi là bán đảo vì nó được bao bọc ba phía bởi biển hoặc đại dương: Đông giáp Vịnh Ba Tư, Nam giáp Ấn Độ Dương và phía Tây giáp Hồng Hải (Biển Đỏ). Phía Bắc của bán đảo này là vùng sa mạc hoang vu chạy dài tới biên giới Syria và Palestine. Người ta gọi nó là sa mạc Syro-Arabia vì nó ở giữa hai nước Ả Rập và Syria. Đi băng qua sa mạc này bằng đường bộ là một điều nguy hiểm nếu không dự trữ đủ nước uống. Khách lữ hành phải đi những quãng đường rất xa mới gặp được một ốc đảo (oasis). Các ốc đảo trong sa mạc được tạo thành do những hồ nước ngầm ở dưới mặt đất (underground pools). Khí hậu sa mạc rất khô, thường chỉ có mưa vào mùa xuân. Vùng có mưa nhiều nhất là miền cực nam bán đảo Ả Rập, tức nước Yemen ngày nay.

2. Dân cư:

Bán đảo Ả Rập ngày nay được chia thành nhiều quốc gia: Nước lớn nhất là Saudi Arabia 757 ngàn dặm vuông, 23 triệu dân. Yemen 203 ngàn dặm vuông, 10 triệu dân. Oman 2.5 triệu dân, Cộng Hòa Ả Rập Emirates 2.3 triệu dân và Quatar 1 triệu dân. Đa số dân Ả Rập là con cháu xa xưa của giống người ở Địa Trung Hải và miền núi Alpes ở Âu Châu. Về phương diện chủng tộc, người Ả Rập được xếp vào chủng tộc da trắng (Whites) như người Âu. Hầu hết người Ả Rập thời xưa sinh sống bằng nghề du mục. Do đó, chính họ đã tự đặt tên cho chủng tộc của mình là Arab có nghĩa là du mục (Arab means Nomad).

Người Ả Rập và Do Thái thù ghét nhau là do sự kỳ thị tôn giáo, sự thật Ả Rập và Do Thái đều cùng một chủng tộc. Theo Thánh Kinh Cựu Ước Do Thái thì sau cơn đại hồng thủy, cả nhân loại chết hết, chỉ còn lại một gia đình của ông Noah sống sót mà thôi. Con trai lớn của ông Noah là Shem trở thành tổ tiên của các giống dân Do Thái và Ả Rập. Do đó, phát sinh danh từ "Semites" để gọi chung Do Thái và Ả Rập. Semites có nghĩa là "con cháu của Shem" (Semites: Descendants of Shem).

Mới đây, một số nhà khoa học về nhân chủng đã làm một cuộc thử nghiệm DNA trên nhiều người Do Thái và nhiều người Ả Rập tại Iraq, Arabia, Yemen và Syria. Họ công bố kết quả thử nghiệm đã xác nhận người Do Thái và các giống dân Ả Rập đều cùng chung một mẫu DNA, tức cùng chung một nguồn gốc tổ tiên. Chẳng những vậy, họ đều có chung một nguồn gốc văn hóa từ Babylon. Ngôn ngữ cổ của Babylon là Sumerian, ngôn ngữ cổ Do Thái là Hebrew và ngôn ngữ Arabic đều có nhiều nét tương đồng. Ngôn ngữ của Muhammad và của Kinh Koran là ngôn ngữ Ả Rập (Arabic) hiện là ngôn ngữ chính của 250 triệu người thuộc nhiều quốc gia ở Trung Đông.

3. Chính Trị và Tôn Giáo:

Trong thế kỷ 6 và nửa đầu thế kỷ 7, toàn vùng Trung Đông bị chia thành hai miền đặt dưới sự khống chế của hai đế quốc: Đế quốc Ba Tư làm chủ miền đông gồm có Iran, Iraq, Syria và Arabia. Trong thời gian này, đế quốc Ba Tư chọn Hỏa Giáo (Zoroastrianism) làm quốc giáo và chọn Ctesiphon làm thủ đô. Đế quốc Byzantine làm chủ miền tây gồm có Hy Lạp, Do Thái, Palestine, Ai Cập và vùng Địa Trung Hải. Đế quốc Byzantine chọn Ki Tô Giáo làm quốc giáo và chọn Constantinople (nay là Istambul) làm thủ đô.

Hai đế quốc Ba Tư và Byzantine đánh nhau liên miên từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 7, ròng rã 500 năm. Từ đầu thế kỷ 4, đế quốc Byzantine đổi tên Ki Tô Giáo thành "Công Giáo", tiếng Hy Lạp Katholikos có nghĩa là tôn giáo hoàn vũ (Universal Religion). Rất nhiều người Ả Rập trong vùng kiểm soát của đế quốc Byzantine theo đạo Công Giáo. Tất cả những người này thuộc quyền cai quản của Giáo Hội Syria (Syriac Church). Đến giữa thế kỷ 6, đế quốc Công Giáo Byzantine chinh phục được vua xứ Abyssinia (tức là Ethiopia ngày nay) theo đạo và cho nhiều đoàn truyền giáo xâm nhập Yemen ở cực nam bán đảo Ả Rập.

Đế quốc Ba Tư thấy rõ âm mưu của Byzantine nên tìm cách nâng đỡ mọi người Do Thái và những người Ả Rập theo đạo Do Thái nắm chính quyền tại bán đảo Ả Rập. Năm 510 (tức 60 năm trước khi Muhammad sinh ra) với sự yểm trợ của đế quốc Ba Tư, một người Ả Rập theo đạo Do Thái là Yusuf Asai đã thống lãnh các bộ lạc Ả Rập và lên ngôi vua cai trị toàn bán đảo Ả Rập.

Đến năm 525, đế quốc Byzantine yểm trợ cho vua Công Giáo xứ Abyssinia đem quân xâm chiếm bán đảo Ả Rập. Vua Yusuf Asai chống cự không nổi phải bỏ chạy, cuối cùng nhà vua nhảy xuống biển tự tử. Từ đó, bán đảo Ả Rập thành thuộc địa của Abyssinia và Ki Tô Giáo thành quốc giáo tại xứ này.

Năm 570, người Ả Rập cầu cứu hoàng đế Ba Tư đem quân đánh đuổi quân Ki Tô Giáo Abyssinia. Đế quốc Ba Tư chiến thắng và biến bán đảo Ả Rập thành một tỉnh của đế quốc. Cũng từ đó, Hỏa Giáo của Ba Tư được truyền bá rộng rãi trong dân chúng Ả Rập.

4. Phong Tục Tập Quán:

Dù sống cuộc đời du mục ở sa mạc hay chuyên nghề thương mại sinh sống tại thành thị, mọi người Ả Rập đều thích tự xưng là "những người con của sa mạc" (sons of desert). Từ nhiều ngàn năm qua cho đến nay, người Ả Rập vẫn luôn luôn gắn bó với những con lạc đà. Chúng là những cỗ xe lý tưởng đưa họ qua sa mạc và đồng thời cũng là nguồn cung cấp sữa và thịt. Người Ả Rập ít trồng trọt nên họ thường bị thiếu ngũ cốc và bị suy dinh dưỡng. Cuộc sống sa mạc đã tạo ra hoàn cảnh khiến cho các bộ lạc du mục phải luôn luôn gây chiến với nhau để tranh chiếm các giếng nước hiếm hoi hoặc tranh chiếm các thảo nguyên để thả nuôi gia súc. Qua nhiều thế kỷ, cuộc sống du mục đã hình thành nơi các sắc dân Ả Rập những phong tục tập quán đặc biệt:

a. Tục trả thù:

Để có thể sống còn trong những điều kiện khắt nghiệt của sa mạc, mọi người Ả Rập phải tụ họp lại thành từng nhóm (groups) gắn bó với nhau bằng quan hệ huyết thống. Nhiều nhóm liên kết với nhau thành đoàn (clans) hoặc lớn hơn nữa thành bộ lạc (tribes). Mọi cá nhân đều phải gắn bó với quyền lợi chung của bộ lạc. Người Ả Rập gọi tinh thần gắn bó ấy là "muruwah" bao hàm rất nhiều ý nghĩa: phải can đảm trong chiến đấu, phải kiên nhẫn chịu đựng mọi sự đau khổ khi bộ lạc gặp khó khăn, phải cương quyết bảo vệ mọi kẻ yếu trong bộ lạc và phải quyết tâm trả thù những kẻ đã dám xâm phạm đến sinh mạng và tài sản của bộ lạc.

Các tù trưởng có trách nhiệm bảo vệ mọi thành viên trong bộ lạc của mình. Nếu không trừng phạt những kẻ đã xâm phạm đến sinh mạng và tài sản của thành viên trong bộ lạc mình thì tù trưởng đó sẽ không còn được tín nhiệm nữa. Vì tính liên đới trách nhiệm trong bộ lạc nên trong nhiều trường hợp một người trong bộ lạc này bị giết thì một người trong bộ lạc thù địch phải bị giết để đền mạng. Luật sa mạc là nợ máu phải trả bằng máu. Bán đảo Ả Rập là một sân khấu vĩ đại của những chu kỳ bạo động không bao giờ dứt.

Trong những thời kỳ đói kém hay hạn hán, các bộ lạc gặp khó khăn thường chọn một trong những bộ lạc thù địch để tấn công nhằm cướp gia súc, thực phẩm và hàng hóa cần thiết để sống còn. Các đàn ông của bộ lạc địch đều bị giết. Các đàn bà trẻ đẹp bị bắt đưa về làm vợ bé hay đầy tớ. Số còn lại bị đưa đi bán ở chợ nô lệ.

Những người Ả Rập du mục không hề coi những vụ cướp của giết người như vậy là điều tội lỗi. Họ quan niệm đó chỉ là những việc làm tự nhiên để trừng phạt kẻ thù một cách hợp lý mà thôi.

b. Tục giết các bé gái sơ sinh (Female Infanticide)

Luật sa mạc cũng tàn nhẫn như luật rừng: Chỉ có kẻ mạnh sống sót, mọi kẻ yếu phải bị loại trừ! Việc giết các bé gái sơ sinh là một phương cách điều chỉnh dân số của các bộ lạc du mục. Lý do là một khi bộ lạc có quá nhiều con gái và quá ít con trai thì bộ lạc bị lâm vào tình trạng suy yếu. Chỉ có đàn ông con trai mới có thể đáp ứng nhu cầu sống còn của bộ lạc, đó là nhu cầu chiến đấu và nhu cầu lao động sản xuất.

Phụ nữ bị coi rẻ nên xã hội du mục không dành cho họ một quyền lợi luật định nào (no legal right). Họ bị coi như một thứ tài sản, hay nói đúng hơn là một động sản (movabal property). Những gia đình nào đã sinh một vài đứa con gái rồi thì những bé gái sinh sau thường bị giết chết không thương tiếc.

c. Tục cắt da qui đầu và cắt âm vật

Theo tương truyền thì Abraham là người đầu tiên tự cắt da qui đầu của mình và cắt da qui đầu các con trai của ông để tỏ lòng tuân phục Thiên Chúa. Do đó, tục lệ cắt da qui đầu trở thành nghi lễ bắt buộc đối với mọi người theo đạo Do Thái. Tục lệ này thường được gọi là Phép Cắt Bì (Cirumcision).

Trước khi có đạo Hồi, đa số người Ả Rập thường tự xưng là tín đồ đạo Abraham, tức Đạo Do Thái Nguyên Thủy. Họ thường cắt da qui đầu cho các bé trai giống như người Do Thái.

Ngoài ra, người Ả Rập có tục lệ cắt bỏ một phần hoặc tất cả âm vật, còn được gọi là mồng đóc (Clitoris) của các bé gái từ 4 đến 8 tuổi. Đây là một tục lệ chung của người Ả Rập, không phân biệt tôn giáo. Hiện nay, nhiều người Ả Rập ở Ai Cập, Yemen, Sudan theo Ki Tô Giáo vẫn giữ tục lệ này. Họ tin rằng việc cắt clitoris tuy có gây đau đớn nhưng tránh cho phụ nữ những đòi hỏi sinh lý và giúp họ dễ trở nên thanh sạch cao đẹp hơn.

d. Tục chứng minh trinh tiết cô dâu

Một tục lệ của người Ả rập gây căng thẳng tinh thần cho các cô gái đến tuổi lấy chồng, đó là tục lệ chứng minh trinh tiết cô dâu (Proof of the bride's Virginity). Sau đám cưới, mọi người trong gia đình cô dâu và những người khách tham dự tụ họp bên ngoài phòng ngủ cô dâu chú rễ. Sau khi động phòng, chú rễ bước ra khỏi phòng ngủ báo cáo kết quả cho mọi người biết. Nếu chú rễ tuyên bố cô dâu đã mất trinh trước đám cưới thì đây là một điều nhục nhã cho gia đình nhà gái và cuộc hôn nhân có thể bị hủy bỏ!

e. Tục giết gái chửa hoang

Các cô gái Ả Rập không chồng mà chửa bị coi là đã phạm trọng tội đối với danh dự của gia đình. Các cô gái này thường bị cha hoặc anh em ruột giết chết để bảo vệ danh dự gia đình. Vì thế, người Ả Rập gọi tục lệ này là "Giết người vì danh dự" (Honor Killing). Các cô gái chửa hoang thường khó có thể thoát chết vì dù có chạy đến cầu cứu các cơ quan luật pháp cũng không được bảo vệ. Các thủ phạm giết người trong trường hợp này được xã hội coi là hành động chính đáng và nếu có bị tù thì cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn có tính cách tượng trưng mà thôi.

Tất cả các tục lệ kể trên hiện vẫn còn tồn tại trong các xứ Ả Rập Hồi Giáo. Tuy nhiên, những tục lệ đó không xuất phát từ đạo Hồi vì trong kinh Koran cũng như những văn bản luật pháp của đạo Hồi đều không có điều khoản nào qui định về các tục lệ đó. Ngày nay, nhiều nước Hồi Giáo đã ban hành các biện pháp hủy bỏ hoặc hạn chế các tục lệ xét ra có hại và lỗi thời.



Thế giới Hồi giáo xưa và nay:

CÁC MÔ HÌNH SINH HOẠT TRONG THẾ GIỚI HỒI GIÁO
CÁI NÔI CỦA ĐẠO HỒI: BÁN ĐẢO Ả RẬP TRONG THẾ KỶ 6 VÀ 7
HỒI GIÁO TẠI TRUNG ĐÔNG
HỒI GIÁO TẠI Á CHÂU
HỒI GIÁO TẠI ÂU CHÂU VÀ MỸ CHÂU
HỒI GIÁO VÀ CHỦ NGHĨA KHỦNG BỐ
NĂM NGHĨA VỤ THIÊNG LIÊNG CỦA CÁC TÍN ĐỒ HỒI GIÁO
SÁU TRỤ CỘT CỦA ĐỨC TIN HỒI GIÁO
SỰ BÀNH TRƯỚNG ĐẠO HỒI
CÁC CUỘC THẬP TỰ CHINH CỦA CÔNG GIÁO LA MÃ CHỐNG HỒI GIÁO
THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP VÀ LẬP ĐẠO CỦA MUHAMMAD
THÂN PHẬN PHỤ NỮ HỒI GIÁO
TÌM HIỂU KINH KORAN
TỆ NẠN PHÂN HOÁ TRONG NỘI BỘ HỒI GIÁO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét